Cách Tính Tuổi CSPA Với Sở Di Trú USCIS
Khi cha mẹ được bảo lãnh theo diện thân nhân hoặc diện lao động, người con của cha mẹ đó phải dưới 21 tuổi mới được sự thường trú dựa trên đơn bảo lãnh của cha mẹ của họ. Nếu người con trên 21 tuổi thì người con đó không còn đủ điều kiện để nhập cư cùng với cha mẹ. Quốc hội đã ban hành Đạo Luật Child Status Protection Act để bảo vệ một số con em không bị mất điều kiện để được sự thường trú bằng cách cung cấp một phương pháp tính tuổi của đứa trẻ để xem xét khi nào số thị thực “becomes available” (tạm dịch là thị thực có sẵn). Bản tin thị thực của Bộ Ngoại Giao được sử dụng để xác định khi nào thị thực “becomes available”. Bản tin thị thực có hai biểu đồ - biểu đồ “Dates of Filing” và biểu đồ “Final Action Date”. Theo hướng dẫn CSPA trước đây, Sở Di Trú USCIS coi thị thực “becomes available” cho các mục đích tính tuổi CSPA chỉ dựa trên biểu đồ “Final Action Date”, ngay cả khi một người nộp đơn xin điều chỉnh tình trạng di trú sử dụng ngày sớm hơn trong biểu đồ “Date of Filing”.
Tuổi của người thừa hưởng tính theo công thức của đạo luật Child Status Protection Act như sau: 1) Tuổi của người thừa hưởng vào ngày đầu tiên của tháng khi thị thực “becomes available”; hoặc 2) Tuổi của người thừa hưởng vào ngày đơn bảo lãnh được Sở Di Trú chấp thuận nếu thị thực đã “becomes available” khi hồ sơ bảo lãnh được chấp thuận. Sau đó lấy tuổi của người thừa hưởng trừ đi số ngày từ ngày đơn bảo lãnh nộp tới ngày đơn bảo lãnh được chấp thuận, và đó sẽ là tuổi của người thừa hưởng tính theo đạo luật Child Status Protection Act với điều kiện người thừa hưởng nộp đơn xin thị thực hoặc thay đổi tình trạng di trú trong vòng 1 năm khi ngày thị thực “becomes available”.
Để áp dụng công thức của đạo luật CSPA, trước tiên chúng ta phải tính tuổi hiện tại của người thừa hưởng trước khi trừ tuổi. Như tôi đã trình bày vừa rồi 1) tuổi của người thừa hưởng vào ngày đầu tiên của tháng khi ngày thị thực “becomes available” hoặc 2) tuổi của người thừa hưởng vào ngày đơn bảo lãnh được Sở Di Trú USCIS chấp thuận nếu thị thực đã “becomes available” khi hồ sơ bảo lãnh được chấp thuận. Điển hình là ngày thị thực “becomes available” của hồ sơ bảo lãnh là tháng 6 năm 2022 thì chúng ta phải tính vào ngày 1 tháng 6 năm 2022 tuổi của người thừa hưởng là bao nhiêu vì đó là ngày đầu tiên của tháng khi ngày thị thực “becomes available”. Nhưng nếu chiếu khán đã đáo hạn vào tháng 6 năm 2022 nhưng hồ sơ chưa được Sở Di Trú chấp thuận cho khi tới ngày 10 tháng 7 năm 2022 thì chúng ta phải tính vào ngày 10 tháng 7 năm 2022 tuổi của người thừa hưởng là bao nhiêu. Sau khi tính được tuổi của người thừa hưởng thì chúng ta dùng tuổi của người thừa hưởng trừ đi số ngày từ ngày đơn bảo lãnh nộp tới ngày đơn bảo lãnh được chấp thuận và đó sẽ là tuổi của người thừa hưởng theo đạo luật CSPA.
Vào ngày 14 tháng 2 năm 2023, Sở Di Trú USCIS thông báo thay đổi cách tính tuổi CSPA. Thay đổi chính sách này của Sở Di Trú USCIS có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng cho những hồ sơ đang chờ xử lý. Theo hướng dẫn mới này, Sở Di Trú USCIS sẽ sử dụng biểu đồ “Dates of Filing” để tính tuổi CSPA và hướng dẫn mới này sẽ giúp những người con trên 21 tuổi đủ điều kiện điều chỉnh tình trạng di trú vì ngày thị thực trên biểu đồ “Dates of Filing” đi sớm hơn ngày thị thực trên biểu đồ “Final Action Date”.